Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Thời gian qua, ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra tại Khánh Hòa, Đồng Nai, TPHCM, Bình Thuận với quy mô từ vài chục người đến hàng trăm người nhập viện. Nguyên nhân không chỉ đến từ thức ăn đường phố mà còn từ những nơi được tin tưởng như căn tin, quán cơm nổi tiếng… Hậu quả, có trẻ ở Đồng Nai vẫn phải lọc máu, có trẻ ở Khánh Hòa tử vong bất thường.
Gần đây nhất, ngày 14-5, hơn 350 công nhân của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (tỉnh Vĩnh Phúc) nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa. Ngày 12-5, hơn 50 du khách tại Phan Thiết (Bình Thuận) xuất hiện triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, phải cấp cứu trong đêm. Thật trớ trêu khi liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc ngay trong đợt cao điểm vì an toàn thực phẩm.
Một tháng qua, hàng loạt hoạt động tuyên truyền cho Tháng an toàn thực phẩm diễn ra trên cả nước. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, tháng 4 là tháng chuyển mùa, cực kỳ nóng, vi khuẩn dễ dàng phát triển.
Chọn tháng 4 là tháng hành động vì an toàn thực phẩm để cảnh tỉnh, nhắc nhở người dân về mối nguy trong chuyện ăn uống. Băng rôn, khẩu hiệu được giăng ở các cổng trường. Ai cũng có thể đọc vanh vách lý thuyết về “ăn chín uống sôi” hay rửa tay trước khi ăn, kể cả học sinh tiểu học. Nhưng, những hàng ăn bất ổn trước cổng bệnh viện hay quầy hàng rong đông kín học sinh, dường như đối lập với những băng rôn, khẩu hiệu.
Không phủ nhận, gánh hàng rong là gánh mưu sinh của nhiều gia đình. Nhưng nếu đồ ăn ôi thiu hay kém chất lượng, người bán dùng bàn tay vừa bốc thức ăn vừa cầm tiền, thì gánh hàng ấy nhất thiết phải bị tẩy chay. Thực tế, cũng có trường hợp người bán không hề có kiến thức về bảo quản thực phẩm an toàn, cách phòng tránh vi khuẩn E.coli hay Salmonella sinh sôi, lý do phải đeo bao tay khi chế biến… đó lại là trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Chuyện trách nhiệm, có thể thấy rất rõ trong vụ ngộ độc bánh mì khiến hơn 500 người nhập viện ở Đồng Nai. Báo cáo của UBND TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) gây ngạc nhiên khi xác định tiệm bánh mì Băng là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, dù bán ra hơn 1.000 chiếc bánh mỗi ngày và chế biến nguyên liệu tại chỗ. Nhờ vậy, tiệm bánh mì này không thuộc đối tượng phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Chưa hết, chỉ khi xảy ra vụ ngộ độc, địa phương mới phát hiện chủ cửa hàng dùng giấy đăng ký kinh doanh của người khác. Vụ việc khiến mọi người phải… lắc đầu! Mới đây, công văn của Bộ Y tế đặc biệt lưu ý, người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn, có lẽ cũng cần soi chiếu đến vụ việc ở Đồng Nai.
An toàn thực phẩm có thể là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng chưa bao giờ ngừng căng thẳng. Bởi sau mỗi vụ việc, là sức khỏe và tính mạng của người dân, nhất là trẻ em- đối tượng dễ bị tổn thương. TPHCM từng tiếp nhận những ca ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn C.botulinum, cần thuốc giải trị giá 8.000USD nhưng không có sẵn.
Chúng ta phải xin Tổ chức Y tế thế giới viện trợ thuốc khi thời gian vàng để cứu người trôi qua mỗi giờ, mỗi ngày. Hay gần đây nhất, em bé 6 tuổi đã ngưng tim ngưng thở, suy tạng, nhiễm trùng huyết vì ngộ độc bánh mì. Vì lẽ đó, xin đừng nghĩ ngộ độc thực phẩm chỉ là đau bụng, nôn ói… rồi thôi, mà đôi khi phải trả giá bằng tính mạng.
Tuy vậy, ngộ độc thực phẩm không phải là chuyện “Trời kêu ai nấy dạ” nếu có sự quản lý hiệu quả từ cơ quan chức năng và thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Là địa phương đầu tiên trên cả nước có Sở An toàn thực phẩm, TPHCM được kỳ vọng sẽ có giải pháp căn cơ trong đảm bảo an toàn cho bữa ăn của hơn 10 triệu dân.
Xử lý vi phạm, nhân rộng mô hình thực phẩm an toàn, giải quyết triệt để thức ăn đường phố…, là những điều dễ hô hào nhưng chắc chắn không dễ thực hiện và duy trì, nếu không kiên trì và quyết liệt làm đến nơi đến chốn.
Thực tế, an toàn thực phẩm là trách nhiệm của cả cộng đồng. Mỗi người chung tay làm đúng phận sự và trách nhiệm là giúp cho mỗi bữa ăn được lành mạnh. Thay vì xem an toàn thực phẩm là trách nhiệm riêng của cơ quan chức năng, nhà trường và phụ huynh cần phối hợp để con em không tiếp cận với hàng quán kém chất lượng, mất an toàn.
Bên cạnh đó, rất cần xử lý nghiêm khắc, thậm chí là xử lý hình sự với những đối tượng tham lợi nhuận mà sử dụng thực phẩm kém chất lượng, quá hạn, chứa chất cấm. Những hành vi trên đều là biểu hiện của sự coi thường pháp luật và sức khỏe người dân.
Hiện nay: ATVSTP.ORG.VN hỗ trợ mọi thủ tục giấy tờ nhanh và đầy đủ nhất tại khu vực Tp.Hồ Chí Minh. Các khu vực khác vui lòng gọi Hotline: 0909.730.849 để chúng tôi tư vấn đầy đủ tốt nhất cho bạn theo từng khu vực. Xin cảm ơn. Địa chỉ: 47/111 Nguyễn Hữu Tiến, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 0975 730 849
Website: https://atvstp.org.vn
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/an-toan-thuc-pham-trach-nhiem-ca-cong-dong-post740072.html