An toàn thực phẩm trong Tết Nguyên đán rất cần thiết. Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất của Việt Nam, là dịp các thành viên trong gia đình dù có đi đâu xa cũng đều trở về sum họp bên nhau, cùng nhau thăm hỏi người thân, họ hàng, mừng tuổi, đi lễ đầu năm cầu may mắn và cùng nhau quây quần bên những bàn ăn với những món ăn ngon, cổ truyền của dân tộc và dĩ nhiên, không ai muốn trải qua những ngày lễ Tết với các bệnh từ thực phẩm. Do đó người tiêu dùng cần có thông tin tuyên truyền về những nguyên tắc an toàn khi chuẩn bị chế biến và bảo quản thực phẩm cho cả gia đình.
Bài viết sẽ chia sẻ những nguyên tắc và hướng dẫn để chuẩn bị chế biến và bảo quản thực phẩm an toàn cho cả gia đình dịp Tết.
Để có những bữa ăn an toàn ngày Tết chúng ta cần nhớ những nguyên tắc và hướng dẫn sau đây để chuẩn bị chế biến và bảo quản thực phẩm an toàn cho cả gia đình.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cục Quản lý dược phẩm -thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra khuyến nghị để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh do thực phẩm cho các gia đình trong các kỳ nghỉ lễ và lễ hội với các bước cơ bản.
Bốn nguyên tắc cơ bản an toàn thực phẩm:
1. Giữ vệ sinh:
Thường xuyên rửa tay, làm sạch các bề mặt tiếp xúc thực phẩm và các vật dụng trong nhà bếp để phòng vi khuẩn, vi rút phát triển và
lây lan.
Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm ít nhất 20 giây trước và sau khi chế biến thực phẩm, sau khi thay tã, đi vệ sinh hoặc chạm vào vật nuôi.
Luôn rửa trái cây tươi và rau quả bằng nước sạch.
2. Để riêng thực phẩm:
Để thực phẩm sống riêng biệt với thực phẩm đã nấu chín và ăn ngay để tránh lây nhiễm chéo.
Tốt nhất, chúng ta nên sử dụng hai chiếc thớt để xử lý các loại thực phẩm sống chưa chế biến và một chiếc cho xử lý thực phẩm như trái cây và các loại thực phẩm đã chế biến, sản phẩm ăn liền.
Không bao giờ đặt thực phẩm đã nấu chín vào đĩa hoặc thớt đã đựng thức ăn sống trừ khi chúng đã được rửa bằng xà phòng và nước sạch.
3. Nấu chín thực phẩm:
Tiêu diệt vi khuẩn có hại bằng cách nấu kỹ nhất là với thịt, cá, trứng và hải sản.
4. Làm lạnh:
Giữ lạnh thực phẩm lạnh. Vi khuẩn có thể phát triển nhanh chóng khi thực phẩm để trong vùng nguy hiểm từ 4oC đến 60oC.
Không được rã đông thực phẩm bằng cách đặt nó bên ngoài môi trường. Chúng ta nên rã đông trong tủ lanh, dưới nước lạnh hoặc bằng lò vi sóng.
Ăn thực phẩm lạnh khi chúng vẫn còn lạnh.
Chia những phần thực phẩm lớn thành nhiều phần nhỏ hơn trước khi bảo quản.
Bên cạnh 4 nguyên tắc cơ bản về an toàn chế biến thực phẩm thì Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra 10 nguyên tắc vàng của WHO về an toàn thực phẩm, cũng như các tổ chức an toàn thực phẩm của Thế giới đã đưa ra một số hướng dẫn an toàn thực phẩm sau đây để mọi gia đình có những ngày lễ Tết vui tươi và khỏe mạnh.
10 nguyên tắc vàng về an toàn thực phẩm:
– Giữ thực phẩm tránh ánh nắng trực tiếp và che chắn kỹ tránh côn trùng.
– Lập kế hoạch hiệu quả cho các bữa tiệc để hạn chế thức ăn thừa. Các thức ăn thừa nên được đặt trong các hộp kín bảo quản hoặc dùng màng bọc thực phẩm để bảo quản chúng và đảm bảo các thực phẩm thừa được sử dụng hết trong 2-3 ngày.
– Không đặt thực phẩm nóng vào tủ lạnh, thực phẩm cần được che chắn tránh công trùng khi để nguội trước khi đặt vào tủ lạnh. Nếu cho thức ăn nóng ngay vào tủ lạnh, nhiệt độ tủ lạnh sẽ tăng lên dẫn đến các thực phẩm khác sẽ nằm trong vùng nguy hiểm của vi sinh vật phát triển.
– Không đặt những thực phẩm không cần phải bảo quản lạnh vào tủ lạnh. Điều này tạo thêm không gian để bảo quản các thực phẩm dễ hư hỏng trong tủ lạnh.
– Không để thực phẩm quá nhiều trong tủ lạnh. Không khí lạnh trong tủ lạnh cần có khoảng trống để lưu thông. Nếu tủ lạnh quá đầy nhiệt độ trong tủ lạnh có thể tăng lên dẫn đến thực phẩm có thể nằm trong vùng nguy hiểm của vi sinh vật phát triển.
– Không nên để thực phẩm ở vùng nguy hiểm quá lâu. Đảm bảo nguyên tắc thời gian 2 giờ và 4 giờ, thời tối đa 2 giờ là thời gian an toàn được khuyến nghị.
– Hãy đảm bảo các loại thịt sống được cất trong tủ lạnh ở ngăn dưới cùng để đảm bảo các giọt dịch của chúng không nhỏ xuống thực phẩm bên dưới.
– Khi thịt được rã đông và tái sử dụng, nó không thể đông lạnh lại để sử dụng. Để tránh lãng phí thịt, ban đầu chúng ta nên chia theo khẩu phần mà gia đình sẽ sử dụng trong một lần.
– Trước khi ăn bất kì thực ăn thừa nào hãy đảm bảo hâm nóng lại các thực phẩm và hấp chín hoàn toàn, nhiệt độ ít nhất phải ở 70oC.
Để có ngày lễ Tết khỏe mạnh, ấp áp và vui tươi mọi người hãy thực hiện tốt các nguyên tắc, hướng dẫn cơ bản khi chế biến và bảo quản thực phẩm để giúp hạn chế vi sinh vật phát triển trong thực phẩm, tránh lãng phí và góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cả gia đình./.
Phòng Quản lý Chất lượng thực phẩm
Nguồn: http://bqlattp.hochiminhcity.gov.vn/ArticleDetail.aspx?NewsID=3644